Một nguồn tin riêng cho hay, chiếc xe Toyota Land Cruiser biển xanh trong vụ việc được xác định là xe của cảnh vệ, có giấy phép hoạt động.
Liên quan đến vụ người đàn ông chặn đầu xe biển xanh trên phố ở Hà Nội, nguồn tin riêng của PV Báo Giao thông cho biết, bước đầu xác minh cho thấy, chiếc xe ô tô trong clip là của cơ quan Nhà nước, có giấy phép hoạt động.
“Chiếc xe trên là xe của cảnh vệ, của cơ quan Nhà nước và họ có giấy phép, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh sự việc”, nguồn tin này cho hay.
Clip: Người đàn ông đi xe máy chặn đầu, chèn ép xe biển xanh hú còi làm nhiệm vụ trên đường phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 19/12, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh chiếc xe máy do một người đàn ông điều khiển đang chặn đầu một ô tô biển xanh và ép xe này phải lùi lại, đi đúng chiều đường.
Đáng chú ý, chiếc xe Toyota Land Cruiser biển xanh này đang phát tín hiệu ưu tiên (đèn nháy, còi hú), tuy nhiên người đàn ông đi xe máy vẫn rất cương quyết không nhượng bộ, dựng xe chắn trước đầu xe, thậm chí còn lấy điện thoại ra quay lại.
Tình huống trên được cho là xảy ra vào khoảng 7h sáng 19/12, trên tuyến phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngay lập tức, đoạn clip trên đã thu hút được đông đảo sự quan tâm, bình luận của cộng đồng với nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, hành vi cố tình chặn xe biển xanh của người đi xe máy là sai và hết sức liều lĩnh, bởi chiếc xe biển xanh này được trang bị đèn nháy, còi hụ là tín hiệu được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông, trong đó được phép đi ngược chiều, vượt đèn đỏ.
Hình ảnh người đi xe máy ép xe biển xanh phải lùi lại khi đi ngược chiều trên phố ở Hà Nội.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an về biển số xe cơ giới, xe biển xanh là loại xe ô tô, gắn máy thông thường được gắn biển xanh để thực hiện như loại xe chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Xe biển xanh gắn biển số có nền màu xanh; chữ, số trên biển có màu trắng.
“Những xe ưu tiên nêu trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, luật sư Quách Thành Lực lưu ý, không phải tất cả các loại xe biển xanh đều được ưu tiên khi tham gia giao thông mà chỉ khi những xe đó đang thực hiện nhiệm vụ, phát tín hiệu xe ưu tiên thì mới được quyền ưu tiên.
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) mức phạt từ 400-600 nghìn đồng đối với xe máy, và 2-3 triệu đồng đối với ô tô.
Trường hợp cản trở xe ưu tiên, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như gây ra thiệt hại về người và tài sản thì người cản đường xe ưu tiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Cụ thể, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.