Ngoài tình trạng phóng nhanh, phanh gấp thì một số xe buýt ở Hà Nội hiện nay còn chen lấn từng mét khoảng hở trên đường, cứ trống là đi vào, bất chấp phương tiện xung quanh (Độc giả Bảo Xuân).
Hình ảnh các bạn đang xem là tình cảnh mà tôi gặp phải trong một lần tham gia giao thông. Đoạn này không gần bến dừng đỗ nhưng xe buýt vẫn đi sát lề đường, cứ miễn còn khoảng hở là chen lên. Nhìn ở phía trước, bạn sẽ thấy là thậm chí phần đầu xe còn được ép sát sang bên phải, không chừa bất kể khoảng trống nào.
Một hình ảnh khác tôi bắt gặp trên mạng xã hội thì thậm chí còn tệ hơn. Dòng phương tiện phía sau bị chặn lại bởi những chiếc ô tô và đặc biệt là một chiếc xe buýt màu xanh. Vẫn là kiểu đi ép lề, khiến cho ngay cả người đi xe máy cũng không thể lách lên, dù phía trước là cả khoảng trống.
Xin tạm không bàn kiểu đi “điền vào chỗ trống” của xe máy, nhưng rõ ràng với cách tham gia giao thông như hai ví dụ trên thì xe buýt đang “triệt hạ” lối đi của mọi phương tiện khác. Lẽ ra nếu có đủ không gian, những chiếc xe phía sau có thể di chuyển lên để tất cả cùng nhanh chóng thoát qua điểm ùn tắc.
Xe buýt chiếm hết làn đường dành cho các phương tiện rẽ phải tại ngã 4 Phạm Hùng – Nguyễn Hoàng (Ảnh: Lao Động).Bực mình nhất là tại các nút giao, xe buýt vô tư dừng đỗ ở phần đường nên được ưu tiên cho phương tiện rẽ phải. Thế là hàng dài phương tiện phía sau phải chờ đợi vì bị nghẽn lại bởi một chiếc xe lớn chắn hết cả lối ra.
Thứ hai là kiểu đi như này còn tạo cảm giác nguy hiểm cho xe máy đi xung quanh bởi phía sau hay bên hông mình bỗng dưng xuất hiện một chiếc ô tô to lớn chèn vào. Đó còn là khói thải xả ra phía sau xe buýt sẽ phả thẳng vào mặt những người đi xe máy phía sau, nhất là trong những ngày hè ngột ngạt. Người dừng đỗ cạnh xe buýt cũng rất nóng.
Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng mà ở đó mọi người kỳ vọng sẽ là giải pháp giao thông văn minh, thân thiện, tiết kiệm và giúp giải quyết các bài toán về ùn tắc tại đô thị. Nhưng dường như với cách di chuyển như hiện nay, xe buýt chỉ cố gắng được việc của mình mà bất chấp những quy định, văn hóa về giao thông.
Và kiểu đi “triệt hạ” mọi phương tiện như thế có thể khiến tình trạng tắc đường thêm trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Để rồi như hiện nay, người ta gắn từ “hung thần” cho xe buýt thì phải chăng ta nên thay lớp sơn màu xanh sang màu đen cho đúng với bản chất thực tế, hoặc đổi sang màu đỏ để mọi người biết mà tránh?