Dù mang trên mình nhiều thương tật nhưng suốt 6 năm qua, ông lão 80 tuổi ở Quảng Nam vẫn miệt mài lấy tiền tích cóp dưỡng già của mình để xây hàng chục cây cầu dân sinh tặng cho người dân trên khắp các vùng quê nghèo khó.
Mỗi năm xây 4 cây cầu từ thiện
Đó là ông Nguyễn Đình Phùng, ngụ phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Từng là lính đặc công, vào sinh ra tử trong những năm chống Mỹ và trở về quê hương với thương tật 61%, nay người thương binh ấy vẫn thầm lặng cống hiến cho đất nước theo cách riêng của mình. Ngày ngày, trên chiếc xe máy cọc cạch, rong ruổi khắp các vùng quê, thấy nơi nào khó khăn thì ông lão tóc bạc trắng lại tự bỏ tiền túi để xây cầu dân sinh giúp bà con thuận tiện đi lại.
Sinh ra tại xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, Quảng Nam), 18 tuổi, ông Phùng vào quân ngũ và được đào tạo chiến sĩ đặc công. Tham gia nhiều trận đánh, ông bị thương rồi ra Bắc điều trị. Sau 14 năm tham gia quân đội, ông chuyển qua công tác ngành tòa án. Năm 1993, ông về hưu với chức vụ Chánh án tòa án thị xã Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ). Vợ ông là giáo viên cấp hai, 3 người con đều trưởng thành và có công việc ổn định.
Suốt 6 năm qua, bằng nguồn tiền tích góp từ lương hưu, cùng sự hỗ trợ của các con mình, ông Phùng đã xây xong 28 cây cầu miễn phí khắp nhiều vùng quê xứ Quảng.
Tất cả các cây cầu đều được đặt tên “Phùng Hiệp”, theo tên ông và người bạn đã khuất cùng chung ý tưởng xây cầu cho dân.
Chia sẻ về lý do xây cầu miễn phí, ông Phùng kể, từ năm 2014, ông bắt đầu dùng tiền tích cóp của mình để mua gạo, nhu yếu phẩm tặng người dân vùng cao của Quảng Nam. Tuy nhiên, sau vài năm, ông thấy việc này không hiệu quả. Ý tưởng làm cầu dân sinh chợt lóe lên khi năm 2016, người con trai của ông đang lập nghiệp tại TP.HCM đã xây một cây cầu dân sinh miễn phí ở Bến Tre. Thấy việc làm này thiết thực quá, ông Phùng liền bàn với vợ con và người bạn thân của mình tên Hiệp, cùng tích cóp xây cầu tặng quê hương mình.
“Mỗi lần về quê tôi thấy nhiều cây cầu hư hỏng và chứng kiến nhiều người gặp nạn khi đi qua những cây cầu tạm bị tai nạn, thậm chí tử vong, nên tôi chợt nghĩ mình phải làm điều gì đó thiết thực giúp đỡ bà con. Từ đó, tôi tích góp lương hưu của cả hai vợ chồng, rồi huy động thêm từ các con để xây những cây cầu miễn phí. Mỗi năm gia đình tôi cố gắng tặng ít nhất 4 cây cầu cho người dân”, ông Phùng tâm sự.
Ông Phùng lặn lội tìm đến khắp những vùng quê nghèo khó để khảo sát xây dựng cầu.
Ông Phùng cũng có riêng cho mình một đội thợ “ruột” làm cầu trong suốt 6 năm qua.
Đặc biệt, mỗi cây cầu, ông Phùng đều lấy những cột mốc thời gian liên quan đến ngày quan trọng của đất nước để khánh thành.
Ông Phùng là tấm gương người lính tàn nhưng không phế, luôn không ngừng cống hiến cho quê hương, đất nước.
Cứ thế, ròng rã từ năm 2016 đến nay, ông Phùng đã lặng lẽ tự bỏ kinh phí xây gần 30 cây cầu dân sinh (trung bình kinh phí mỗi cây cầu khoảng 65 triệu đồng) và làm được 150m đường bê tông tại các huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Tiên Phước,…
Lời hứa xây 50 cây cầu với người bạn quá cố
Là thương binh 2/4, với cánh tay phải thương tật, cử động khó khăn. 6 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhiều người khuyên nên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhưng ông Phùng không chịu. Cứ hễ nghe tin nơi nào có cầu tạm nguy hiểm, dù xa đến đâu, ông đều lặn lội đến tận nơi để khảo sát.
Sau khi chọn được vị trí, ông Phùng lại chủ động đặt vấn đề với địa phương, rồi bàn phương án thiết kế, xây dựng cầu. Dự toán hoàn tất, ông ký hợp đồng với thợ theo kiểu chìa khóa trao tay. Có những ngày, không ngại trời nắng gắt hay mưa gió, ông vượt cả trăm cây số đến giám sát công trình và kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng.
28 cây cầu “Phùng Hiệp”, với kinh phí hàng tỷ đồng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng và tương lai sẽ có thêm nhiều cây cầu miễn phí nữa.
Những cây cầu dân sinh do ông Phùng tự nguyện bỏ tiền ra làm đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Lý giải việc tất cả cầu đều tên “Phùng Hiệp”, ông bảo, Phùng là tên mình, còn Hiệp là tên một người bạn đã khuất; đây cũng là người đầu tiên góp kinh phí đồng hành cùng gia đình ông xây cây cầu đầu tiên. Hai chữ này ghép lại còn mang ý nghĩa là hiệp lực để tạo nên sự phùng thịnh cho người dân.
“Tôi đã từng hứa với người bạn quá cố tên Hiệp là sẽ xây dựng được 50 cây cầu khi còn sống. Mỗi cây cầu được hoàn thành, không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn là hạnh phúc của tôi vì đang tiến gần đến lời hứa đó”, ông Phùng trải lòng.
Bà Lê Thị Kim Hoa vui mừng vì làng mình vừa được ông Phùng xây tặng 1 cây cầu kiên cố.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn giữ tâm niệm tới cuối đời sẽ hoàn thành 50 cây cầu dân sinh.
Vui mừng vì làng của mình mới có được cây cầu đẹp như mơ, bà Lê Thị Kim Hoa (78 tuổi, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) cho biết, cây cầu cũ tại đây đã bị hư hỏng nhiều năm trước. Cứ mỗi mùa mưa, nước lại ngập lụt sâu khoảng 2 mét, đôi bờ suối bị cô lập, người dân không thể đi lại bình thường, bất trắc nhất là gặp những lúc ốm đau chuyển viện.
“Hồi trước chưa có cầu mới này thì đi lại rất khó khăn, nhất là mỗi lần mưa lớn, nước chảy xiết là gần như bị cô lập. Nay được ông Phùng tặng cây cầu dân sinh, tôi và người dân ở đây vui mừng, biết ơn lắm”, bà Hoa phấn khởi nói.
Ngoài việc bỏ tiền túi xây cầu giúp dân, từ năm 2014 đến nay, ông Phùng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Tuổi già, sức yếu, vợ chồng ông Phùng mỗi tháng nhận hơn 15 triệu đồng lương hưu. Số tiền này ông bà chi tiêu, thuốc men lúc ốm đau, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu giúp dân và hỗ trợ những suất quà cho người nghèo, các em học sinh có gia cảnh khó khăn.
Bên cạnh việc xây cầu dân sinh, ông Phùng còn hỗ trợ nhiều gia đình bệnh tật, khó khăn.
Nói về người đồng đội của mình, ông Đỗ Văn Thương – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Xuân (TP Tam Kỳ) bày tỏ sự cảm phục: “Dù tuổi cao nhưng với tinh thần của người lính, anh Phùng luôn nhiệt tình giúp đỡ những người khó khăn. Anh ấy làm việc gì cũng xuất phát từ tấm lòng và làm lặng lẽ chứ không muốn công khai, phô trương, trước giờ luôn như vậy…”.
Đến nay, dù đã tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe suy giảm, nhưng chưa bao giờ ông Phùng nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp người dân. “Lúc nào hết tiền, hết sức thì tôi mới thôi đi xây cầu. Nói thật, giờ tuổi cũng lớn rồi, cũng không biết lúc nào nằm xuống, nên còn giúp đời được gì thì mình vẫn cố gắng giúp thôi”, ông Phùng cười hiền.