Người mẹ không từ bỏ việc chạy chữa thuốc men cho 2 con trai bị bại não, kiên trì nuôi dạy hai con vượt mọi khó khăn và thi đậu trường nghề.
Bà Wu Chunxiang, sống ở vùng quê tại huyện Nhạc Tây, tỉnh An Huy, Trung Quốc, năm 2001 mang thai được 6 tháng thì sinh non. Sau khi được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời, người mẹ đã sinh hai bé trai sinh đôi. Vì sinh non nên hai anh em phải nằm trong lồng kính bệnh viện trong suốt một thời gian dài.
Bà Wu xúc động khi kể về hành trình chạy chữa cho 2 con trai (Ảnh: QQ)
Cha mẹ đặt tên cho hai anh em sinh đôi là Jin Huadong và Jin Hualiang với ước mong chúng sẽ trở thành người thành công, làm nên điều vĩ đại trong tương lai.
Hai anh em Jin Huadong và Jin Hualiang khi còn nhỏ (Ảnh: QQ)
Tưởng chừng mọi thứ đã ổn thỏa, nhưng tai họa lại một lần nữa ập đến gia đình người phụ nữ này. 7 tháng tuổi, cha mẹ phát hiện cậu con trai nhỏ Jin Hualiang vẫn không biết lật, hai chân co giật run rẩy. Linh tính mách bảo người mẹ có điềm dữ xảy ra với con, bà Wu đã đưa con trai Jin Hualiang đến bệnh viện kiểm tra.
Ban đầu, người mẹ chỉ nghĩ rằng con bị thiếu canxi. Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ kết luận con bà mắc chứng bại não do thiếu oxy trong quá trình sinh non. Khi biết tình trạng của con trai nhỏ, bà lập tức đưa con trai lớn Jin Huadong đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện cậu bé cũng có biểu hiện của bệnh bại não giống em trai.
Hành trình nuôi dạy hai con trai mắc chứng bại não vô cùng vất vả của người mẹ
Đau khổ tột cùng vì thương con, cả hai vợ chồng bà Wu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ con, quyết tâm chạy chữa cho hai anh em. Cuộc sống của hai đứa trẻ từ đây bắt đầu gắn liền với thuốc men. Mặc dù mắc chứng bại não, nhưng dưới sự kiên trì chăm sóc của bà Wu, hai anh em vẫn có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Cha của hai em cũng cố gắng làm thêm việc để kiếm tiền chạy chữa bệnh cho hai con.
Hai anh em Jin Huadong (trái) và Jin Hualiang (phải) bật khóc khi kể về sự hy sinh và vất vả của mẹ (Ảnh: QQ)
Khi con đến tuổi học mẫu giáo, bà Wu lại bắt đầu lo lắng. Bác sĩ khuyên gia đình không nên cho hai cháu đi học. “Nhưng là một người mẹ, tôi không muốn để con mình cả đời không có trình độ”, bà nhấn mạnh.
Gia đình khuyên người mẹ nên cho con học ở trường mẫu giáo đặc biệt dành cho trẻ bị bại não, nhưng bà Wu không muốn bạn bè của con nhìn chúng với ánh mắt kỳ thị. Bà cho rằng, một khi con mình học ở trường mẫu giáo đặc biệt, con bà sẽ phải mang cái mác “trẻ bại não” đến suốt đời. Vì thế, bà Wu đã cố gắng chạy khắp nơi tìm trường cho con, nhưng đa số các trường mẫu giáo đều không đồng ý tiếp nhận trường hợp của con bà.
Cuối cùng, sau bao nỗ lực, bà Wu cũng đã tìm được trường mẫu giáo đồng ý nhận hai anh em vào lớp. Để chăm sóc các con tốt hơn, bà đã thuê một căn nhà cạnh trường mẫu giáo, mở cửa hàng bán văn phòng phẩm và đồ ăn vặt, vừa tiện chăm sóc con vừa kiếm thêm tiền nuôi gia đình.
Mặc dù hai anh em Jin Huadong và Jin Hualiang phải sống với căn bệnh quái ác, nhưng sự chăm sóc chu đáo của mẹ đã giúp tình trạng của hai anh em khá hơn nhiều so với dự đoán của bác sĩ. Con trai lớn có thể tự đi lại và tự làm được một số việc nhỏ dù chưa vững. Em trai sức khỏe yếu hơn anh nên cần mẹ chăm sóc nhiều hơn.
Kiên quyết cho con học tập đến nơi đến chốn
Khi con bước vào tiểu học, bà Wu sợ con mình sẽ tủi thân vì bị các bạn khác chê cười nên hằng ngày kể cho con nghe những câu chuyện truyền cảm hứng để an ủi con. May mắn thay, hai anh em tuy có khiếm khuyết về cơ thể nhưng chúng chưa bao giờ phàn nàn, tự ti về bản thân. Trái lại, chúng rất siêng năng, chăm chỉ học tập, sống tích cực và lạc quan,
Đến khi bước vào cấp hai, Jin Huadong đã có thể tự chăm sóc bản thân và làm một số việc nặng hơn. Jin Hualiang phải dùng nạng.
Trường trung học xa nhà, đến lúc này, bà Wu không còn thuê được nhà ở gần trường để tiện chăm sóc hai con trai. Vì thế bà quyết định mua một chiếc xe ba gác nhỏ để bán đồ ăn sáng và đồ ăn vặt gần trường, tiện thể đưa đón con đi học.
Xe bán đồ ăn của bà Wu gần trường trung học của hai con trai (Ảnh QQ)
Mỗi ngày, bà Wu phải dậy lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị. Jin Huadong cũng thức dậy vào lúc 5 giờ để phụ mẹ, đồng thời đảm nhận việc chăm sóc em trai. Thấy mẹ vất vả, hai đứa trẻ từng nói với bà Wu rằng chúng không muốn đi học nữa.
Nghe con nói muốn nghỉ học, bà Wu kiên quyết phản đối và nói với con rằng: “chỉ có đi học mới có thể thay đổi số phận, để các con không lạc lõng với xã hội này”. Từ đó, hai anh em ngày càng nỗ lực học tập để không phụ lòng mẹ, và tuyệt đối không còn nhắc đến chuyện nghỉ học.
Áp lực từ việc học tập, bị bạn bè cùng lớp trêu chọc, kỳ thị, nhưng mỗi khi nhìn thấy sự vất vả của cha mẹ, hai anh em dù cảm thấy khó khăn đến đâu cũng không quên nhắc bản thân phải cố gắng hơn nữa để đền đáp công lao dưỡng dục to lớn của cha mẹ.
Áp lực từ việc học tập, bị bạn bè cùng lớp trêu chọc, kỳ thị, nhưng mỗi khi nhìn thấy sự vất vả của cha mẹ, hai anh em dù cảm thấy khó khăn đến đâu cũng không quên nhắc bản thân phải cố gắng hơn nữa để đền đáp công lao dưỡng dục to lớn của cha mẹ.
Bà Wu hạnh phúc vì hai con thi đậu vào học viện Hợp Phì và Lục An tỉnh An Huy (Ảnh: QQ)
Thương mẹ vì phải vất vả với gánh nặng học phí, con trai lớn bắt đầu đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học. Em trai cũng giúp mẹ làm đồ ăn sáng và ở nhà bán hàng phụ mẹ. Sau khi biết được hoàn cảnh đáng thương, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền giúp hai anh em tiếp tục đi học.
Nhắc đến mẹ – người đã dành gần hết cuộc đời mình để hy sinh cho con, hai anh em liền bật khóc. Họ động viên nhau phải tiếp tục làm việc và học tập chăm chỉ hơn nữa để đền đáp công lao trời biển của mẹ. Khiếm khuyết không phải là điều đáng sợ, nhưng bị đánh gục bởi khuyết điểm mới là điều đáng sợ nhất. Nhờ có tình yêu thương của người mẹ vĩ đại, nghịch cảnh cuối cùng cũng trở thành “bàn đạp” để họ vươn tới ước mơ của mình.