Trong đời, ngoài sức khỏe, tiền bạc thì có lẽ bình an trong tâm là điều mà ai cũng mong muốn có được.
Điều kiện sống, thế giới tự nhiên và hoàn cảnh xã hội không ngừng thay đổi. Con người cũng phải chịu cảnh già, bệnh, chết,… những thay đổi về thể chất; đời sống tinh thần khi dồi dào, lúc sa sút, buồn vui, yêu ghét, hạnh phúc khổ đau,… cũng thay đổi không ngừng. Chúng ta thấy hiện tượng sinh diệt (hình thành và mất đi), biến dị (đổi khác) diễn ra mọi lúc, mọi nơi một cách liên tục; thay đổi nơi thân, nơi tâm, nơi hoàn cảnh và nơi muôn loài vạn vật.
Trong đời sống thường ngày, nếu tâm không bình an, đang trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng hay sân giận,.. thì dù cho thân và hoàn cảnh an ổn, không có bất trắc, rủi ro xảy ra, điều kiện sống tốt, chúng ta vẫn khổ, người ta thường gọi nỗi khổ này là khổ tâm (còn khổ thân là vất vả nhọc nhằn, đói khát, đau nhức,..). Chính vì thế mà cần phải có nhận thức đúng, có trí tuệ thấy rõ bản chất đời sống, thực tướng của hiện hữu, cần phải có sự tu tập tâm để xa lìa phiền não kiết sử.
Tâm bình an là tâm có sự tự chủ, tự do. Thật ra tâm bình an quan trọng hơn thân bình an rất nhiều. Thông thường khi thân không bình an (bị tai nạn, bệnh tật hoặc hoàn cảnh đói, khát, nóng, lạnh, thiên tai dịch họa) thì tâm có cảm giác khó chịu, khổ não, bất an. Và ngược lại, khi tâm phiền não (tức giận, buồn bã, lo lắng, sợ hãi…) thì thân cũng có những biến đổi thể chất gây căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là bệnh tật. Tuy nhiên, nếu có nhận thức tốt, tư duy tích cực, có sự làm chủ tâm, kiểm soát tốt cảm xúc thì chúng ta có thể hạn chế, làm giảm thiểu những cảm giác khó chịu hoặc nỗi khổ niềm đau do thân hay hoàn cảnh bất an mang lại.
Tâm an, vạn sự an!