Thay đổi cơ cấu đóng cửa bằng tay sang tự động đang là một xu hướng được khá nhiều chủ xe khách lựa chọn nhằm tăng tính tiện nghi cho xe.
Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi từ bạn đọc về việc mới mua một chiếc ô tô khách 16 chỗ Ford Transit đã qua sử dụng để đăng ký kinh doanh vận tải, chở khách du lịch. Người này muốn thay đổi cửa đóng tay sang cửa tự động nhằm tăng tính tiện nghi cho xe, đồng thời, giảm thời gian khi phải xuống xe mở cửa cho hành khách.
Tuy nhiên, bạn đọc lo lắng, không biết khi thay đổi, ô tô có được đăng kiểm hay không?
Ô tô thay cửa đóng tay sang cửa tự động không được coi là cải tạo, được đăng kiểm bình thường (ảnh minh hoạ).
Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo xe cơ giới, việc thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa) là một trong những trường hợp ô tô có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo.
“Trong đó, bao gồm cả thay đổi cơ cấu đóng cửa bằng tay sang tự động. Tuy nhiên, khi lắp đặt phải đảm bảo khi ngắt trạng thái đóng cửa tự động vẫn có thể đóng, mở bằng tay mới đạt yêu cầu và đạt kiểm tra hạng mục về cửa khi đăng kiểm”, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, tại thị trường ô tô một số nước phát triển, cửa tự động là trang bị tiêu chuẩn (trang bị có sẵn) trên các mẫu ô tô khách từ 16 chỗ trở lên.
Tuy nhiên, khi về Việt Nam, để giảm giá thành sản phẩm, hầu hết các chức năng tiện ích đã bị cắt bỏ.
Chính vì thế, sau khi mua xe, không ít chủ xe đã “độ” thêm trang bị tiện nghi cho phương tiện, phổ biến nhất đó là thay thế cửa đóng tay sang cửa tự động.
Hiện nay phổ biến trường hợp chủ xe 16 chỗ “độ” cửa tự động để tăng tính tiện nghi cho xe (ảnh minh hoạ).
Anh Nguyễn Hoàng Hải (chủ xe ô tô 16 chỗ chuyên vận chuyển khách hợp đồng) ở Nam Định chia sẻ, với cửa đóng tay nhiều khi gây phiền cho người sử dụng, không phải ai cũng có đủ lực để mở cửa bằng tay.
Đa phần, lái xe phải là người hỗ trợ mở cửa xe cho khách khi lên và xuống xe. Trong khi đó, việc rời khỏi ghế lái để thao tác mở cửa xe mất thời gian.
“Trên thị trường, công nghệ ô tô ngày càng hiện đại, nếu mình không tăng tính tiện nghi cho xe, nhiều khi hành khách cảm thấy phiền toái, không hấp dẫn được hành khách.
Mặt khác, đôi khi việc dừng xe, tài xế xuống xe mở cửa cho hành khách còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT”, anh Hải nói và cho biết, anh cũng đã “độ” cửa tự động cho ô tô của mình.
Theo anh Hải, hệ thống cửa điện tự động tích hợp khóa điều khiển, có nút điều khiển ở vị trí người lái nên dễ dàng sử dụng, tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho người lái khi không cần xuống xe giữa đường để mở cửa cho hành khách.
“Việc thay cửa tự động cơ bản không làm thay đổi kết cấu của phương tiện, không ảnh hưởng đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe, do đó, không quy định thay đổi này là cải tạo xe hoàn toàn hợp lý. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng xe cũng như đăng kiểm”, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nhấn mạnh thêm.