NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Xe điện của VinFast trong một không gian trưng bày ở Hà Nội. Ảnh chụp vào tháng 9/2023.
Trái ngược với những cú bức tốc không ngừng trên đường đua xe điện giai đoạn 2020 – 2023, thế giới đang chứng kiến các pha giảm tốc bất ngờ của các ông lớn ngành này trên khía cạnh doanh số trong năm 2024.
Nhà báo kinh tế Ben Chu trong một bài phân tích trên BBC InDepth chỉ ra rằng doanh thu bán xe điện ở các quốc gia phương Tây đang sụt giảm, trong khi chính phủ các nước này lại muốn đạt mục tiêu về net zero (tổng ròng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng 0).
Ông Ben Chu đặt câu hỏi nếu tình trạng này kéo dài, liệu chính phủ các nước có tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành này không, những chính sách gây tổn hại lớn tới nền kinh tế quốc gia.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2020, có 10 triệu chiếc xe ô tô điện đã lăn bánh trên đường. Con số này tăng vọt lên 45 triệu vào năm 2023.
IEA nhận định để thế giới đạt mục tiêu net zero trong năm 2050, số xe điện (không tính xe 2 bánh, 3 bánh) được sử dụng phải rơi vào khoảng 100 triệu vào năm 2026, tiệm cận 200 triệu vào năm 2029, gần 400 triệu năm 2032 và xấp xỉ 800 triệu năm 2035. Mức tăng như thế phải tiếp tục được duy trì.
Ông Chu tính rằng mức tăng mỗi năm phải rơi vào khoảng 27%.
Do đó, sự ảm đạm trong doanh số bán xe điện trên toàn cầu vào quý 1/2024 khiến nhiều người ngạc nhiên rồi nghi ngờ rằng liệu phương tiện này có phải là giải pháp bền vững.
Không chỉ riêng phương Tây, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD cũng chứng kiến sự giảm tốc trong quý I năm nay.
Sự hụt hơi của các hãng xe phương Tây
Nhà báo kinh doanh Theo Leggett của BBC vào đầu tháng 5/2024 cho rằng Tesla của tỷ phú Elon Musk đang “loạng choạng” trên đường đua xe điện.
Số lượng xe bán ra sụt giảm đã tác động đến doanh thu và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tesla. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, cổ phiếu công ty đã giảm khoảng 30% giá trị.
Tesla đã giảm giá tại một số thị trường lớn, và đang tiến hành sa thải khoảng 14.000 nhân viên – chiếm 10% nhân lực toàn cầu của công ty.
“Khi Tesla lần đầu tiên xuất hiện, công ty này có một sản phẩm mới thú vị, một vị giám đốc điều hành lôi cuốn và công ty đã thể hiện như một nhà tiên phong thật sự,” Giáo sư Peter Wells, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ xe ô tô tại Đại học Cardiff (Xứ Wales, Vương quốc Anh), bình luận với BBC.
Tuy nhiên, vị giáo sư nhận định rằng giờ đây “thế giới đã bắt kịp Tesla” và đưa ra bằng chứng rằng các hãng xe điện trên toàn cầu đã và đang tung ra nhiều sản phẩm mới.
Thị trường xe điện đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng so với trước đây. Kể từ vụ bê bối khí thải xe chạy bằng động cơ diesel năm 2015, Volkswagen đã đẩy mạnh đầu tư vào xe điện.
Với việc các chính phủ trên toàn cầu cân nhắc áp dụng lệnh cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel trong tương lai, các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi.
Nhờ vậy, khách hàng giờ đây có nhiều lựa chọn hơn khi tìm kiếm xe điện có hiệu suất cao.
Song song với việc thị trường xe điện dần bão hòa ở nhiều quốc gia, các chính sách trợ cấp cho người mua xe điện cũng bắt đầu thu hẹp.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạ nhiệt trong đà tăng trưởng nóng của doanh số xe điện trong những năm gần đây, đồng thời khiến các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh chiến lược giá bán.
Theo phân tích của chuyên gia độc lập Matthias Schmidt trong lĩnh vực xe ô tô, việc cắt giảm trợ cấp đã tác động trực tiếp đến Tesla. Ông giải thích với BBC:
“Trước đây, khi lựa chọn còn hạn chế, chủ yếu chỉ có xe Tesla, các chính phủ sẵn sàng đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn để khuyến khích người dân mua xe điện. Tuy nhiên, hiện nay, khi thị trường đã có sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe khác, các bộ trưởng tài chính đang trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu ngân sách.”
Theo nhà báo Theo Leggett, dường như Elon Musk đang đặt cược lớn vào lĩnh vực xe tự lái như chìa khóa để lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường.
Tuy định hướng xe tự lái phù hợp với hình ảnh một công ty công nghệ tiên phong của Tesla, thay vì chỉ là nhà sản xuất ô tô, nhưng nhiều người cho rằng Musk đang đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề khác của Tesla, như giảm giá bán xe, cắt giảm chi phí và tỷ suất lợi nhuận.
Những chiến lược này, theo các chuyên gia, bất kỳ hãng xe nào cũng có thể áp dụng.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHRISTIAN MARQUARDT/POOL/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Dường như Elon Musk đang đặt cược lớn vào lĩnh vực xe tự lái như chìa khóa để Tesla lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường
Không chỉ riêng Tesla, các ông lớn xe điện châu Âu cũng đang đương đầu với các khó khăn.
Thị trường xe điện Đức đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ sau khi chính phủ cắt giảm trợ giá vào cuối năm ngoái. Chương trình trợ giá hàng ngàn euro cho mỗi chiếc xe điện mới đã kết thúc đột ngột vào tháng 12/2023, dẫn đến giảm đáng kể doanh số trong ba tháng đầu năm nay.
Để tiết kiệm chi tiêu, chính phủ Đức đã hủy bỏ chương trình trợ cấp “Umweltbonus” vốn đã hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện trong 7 năm qua. Chương trình này từng cung cấp khoản trợ cấp lên đến vài ngàn euro cho mỗi xe điện được mua, góp phần thúc đẩy nhu cầu và doanh số bán hàng.
Trước đó không lâu, chính phủ đã chấm dứt chương trình trợ cấp cho các đơn vị mua đội xe công ty, vốn chiếm khoảng 2/3 thị trường ô tô Đức.
Theo mộtbài viết trên DW vào tháng 2/2024, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết doanh số bán ô tô điện ở Đức đã giảm 48% trong tháng 12/2023. Đối với toàn bộ EU trong cùng tháng, doanh số bán ô tô chạy hoàn toàn bằng điện giảm 17%.
Chuyên gia Patrick Schaufuss từ công ty tư vấn McKinsey nhận định với DW rằng tình hình vẫn có thể ảm đạm trong năm 2024.
Kể từ cuối năm 2023, các nhà sản xuất ô tô ở một số quốc gia châu Âu đã đưa ra mức chiết khấu cao hơn cho xe điện để thu hút người mua.
“Với mức giá của xe điện hiện tại, có lẽ người tiêu dùng hơi chần chừ để chuyển sang phương tiện này,” DW dẫn nhận định của Mike Tyndall, giám đốc nghiên cứu cổ phiếu ngành ô tô châu Âu tại HSBC.
Vị giám đốc nói thêm rằng nhiều người dân châu Âu nghĩ rằng cơ sở hạ tầng các trạm sạc và hiệu suất pin xe điện hiện nay chưa đủ thuyết phục họ phải chi tiền
Người phát ngôn của ông lớn ngành ô tô Volkswagen nói với DW rằng tập đoàn này nhận thức được 2024 sẽ là năm khó khăn cho việc bán xe điện nhưng họ tin mình đang đi đúng hướng.
Ông Tyndall bình luận rằng các công ty Volkswagen và Stellantis – hai công ty mẹ của các hãng xe nổi tiếng như Peugeot, Fiat và Opel – hiểu rõ phải cân bằng giữa lợi nhuận và khả năng chi trả của khách hàng.
Ông Tyndall cho rằng với diễn biến thị trường xe điện những tháng đầu năm 2024, các công ty xe điện này càng thêm quan ngại về tình hình kinh doanh.
Các hãng xe Đức cũng gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất xe điện.
NGUỒN HÌNH ẢNH,JENS SCHLUETER/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Công nhân lắp ráp xe điện Cupra Born của Volkswagen tại Đức vào tháng 5/2023
‘Cơn bão’ Trung Quốc
Các số liệu đầu năm nay cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới năm 2023.
Sự xuất hiện của các thương hiệu Trung Quốc trong sân chơi xe điện càng làm nổi bật khó khăn của các công ty phương Tây.
Điển hình trong đó phải kể đến BYD.
Công ty này đã soán ngôi Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào cuối năm 2023 dù sau đó hãng xe của tỷ phú Elon Musk đã giành lại vị trí này trong ba tháng đầu năm 2024 do doanh số của BYD cũng sụt giảm theo xu thế toàn cầu.
Đầu năm 2023, BYD vượt Volkswagen để trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc thời điểm đó.
Gã khổng lồ công nghệ Xiaomi vào tháng 3/2024 cũng tham gia đường đua xe điện với việc cho ra mắt mẫu xe SU7. Bản tiêu chuẩn của dòng xe này có giá xấp xỉ 30.000 USD trong khi bản Max có giá hơn 42.000 USD.
Công ty nhận được hơn 50.000 đơn đặt hàng trong gần nửa giờ đầu tiên mở bán. Xiaomi hy vọng việc SU7 có chung hệ sinh thái với điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị khác của hãng sẽ thu hút được khách hàng.
Xiaomi cho biết họ sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh xe hơi trong 10 năm tới.
Một ví dụ khác là hãng công nghệ trẻ tuổi Nio.
Giữa tháng 5/2024, Nio đã trình làng chiếc xe điện đầu tiên của thương hiệu phổ thông Onvo nhằm thách thức trực tiếp chiếc xe bán chạy nhất của Tesla.
Với mức giá khởi điểm khoảng 30.500 USD, chiếc SUV L60 của Onvo rẻ hơn 10% so với Model Y của Tesla – mẫu xe điện phổ biến nhất thế giới.
Công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho L60 và đặt mục tiêu tiến hành giao hàng vào tháng 9 năm nay.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết các chỉ số về việc sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang xe điện tại Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng đáng kể.
Thành công này phần lớn nhờ vào các cơ sở trạm sạc được đầu tư mạnh mẽ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHRIS RATCLIFFE/BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,BYD từng soán ngôi Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào cuối năm 2023
Xe Trung Quốc có lợi thế gì trong cuộc đua này?
Nhu cầu mua xe điện giảm trên toàn cầu vào quý 1 năm nay đã tác động đến doanh số các ông lớn trong ngành. BYD không phải là ngoại lệ.
Cuộc cạnh tranh về giá giữa các hãng xe cả cũng ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu.
Fransua Vytautas Razvadauskas, giám đốc chuyên sâu về mảng di động của Euromonitor International, nhận định rằng bên cạnh sự bão hòa của thị trường thì bức tranh kinh tế ngày càng ảm đạm, sinh hoạt phí và lãi suất tăng cao khiến người tiêu dùng chần chừ khi mua xe mới.
Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định các công ty xe điện Trung Quốc tiếp tục chiếm lợi thế trên đường đua này trong thời gian sắp tới.
Đầu tiên là về giá.
Giá trung bình của một chiếc xe điện mới ở Mỹ là hơn 60.000 USD. Giá ở châu Âu cũng cao tương tự. Trang tin tài chính MarketWatch của Dow Jones cho hay nhiều người tiêu dùng nghĩ mức giá này nằm ngoài khả năng chi trả của họ.
Trong khi đó, chi phí trung bình đối với người tiêu dùng Trung Quốc khi mua xe điện chỉ là 30.000 USD. Chiếc Seagull kiểu hatchback của BYD thậm chí được bán với giá dưới 10.000 USD.
MarketWatch thông tin rằng giá bảo hiểm cho xe điện tại Mỹ cao hơn đáng kể so với xe truyền thống – một lý do khác khiến người mua ngần ngại.
IEA dự đoán năm 2024 vẫn sẽ ghi nhận mức tăng trong doanh số bán xe điện toàn cầu.
Nhiều nhà quan sát có suy nghĩ lạc quan rằng khi các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu tung ra những dòng xe mới, các mẫu xe cũ sẽ rẻ hơn và thu hút thêm nhiều khách hàng hơn
Tuy nhiên, nhà báo kinh tế Ben Chu không hoàn toàn đồng tình với suy nghĩ trên. Ông dự đoán có thể giá xe điện của phương Tây sẽ không dao động nhiều, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tung ra thị trường những loại xe siêu rẻ.
Mức giá phải chăng đã giúp BYD gây sốt tại Đức – quốc gia phải vật lộn với lạm phát và chi phí năng lượng cao – trong năm 2023.
Đây là vấn đề nan giải đối với các chính trị gia Âu Mỹ. Họ muốn những chiếc xe điện rẻ hơn để hướng đến chuyển đổi xanh, nhưng họ lại không muốn phải trả giá bằng việc làm suy yếu các nhà sản xuất ô tô nội địa.