Theo quy định tại khoản 3 điều 51 luật Hôn nhân và gia đình, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ly hôn là chuyện không hiếm trong cuộc sống hiện đại ngày nay, và ly hôn cũng có những quy định riêng theo pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền lợi của các cá nhân trong một cuộc hôn nhân hợp pháp.
Để bảo vệ tối đa quyền của phụ nữ mang thai, sinh con, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 hướng dẫn cụ thể:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.”
Theo hướng dẫn này có thể hiểu dù người phụ nữ đó ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn tới với có thai với người đàn ông khác thì người chồng chung thủy đó cũng không có quyền ly hôn khi người vợ của mình đang mang thai, sinh con, nuôi con không phải của người chồng hợp pháp.
Trẻ nhỏ cần sự chăm sóc đặc biệt và sự hiện diện của cả hai cha mẹ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Quy định này nhằm đảm bảo rằng trẻ được hưởng đầy đủ tình cảm và sự chăm sóc từ cả cha lẫn mẹ trong những năm tháng đầu đời.
Vợ mang thai, có con với ai, chồng cũng không được phép ly hôn. (Ảnh minh họa)Ngoài ra, Nghị quyết còn có nội dung hướng dẫn trong tình huống mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo khoản 6, điều 2 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP có nội dung:
Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Với quy định này, khi nhờ mang thai hộ thì chồng của người mang thai hộ và chồng của người nhờ mang thai hộ đều không có quyền ly hôn với vợ của mình khi người phụ nữ mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.