Chính phủ Nhật Bản đã phát hiện Honda, Suzuki, Mazda và Yamaha làm sai lệch hoặc thao túng dữ liệu trong các quy trình đánh giá chứng nhận sản phẩm.
Cụ thể, đầu tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết, đã phát hiện bất thường trong các hồ sơ xin cấp chứng nhận sản phẩm từ Toyota, Honda, Mazda và Suzuki và Yamaha. Bộ này cũng đã yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha đình chỉ việc giao hàng đối với 6 mẫu xe có liên quan.
Diễn biến mới về bê bối thông tin thử nghiệm an toàn của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiếp tục lan rộng. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã yêu cầu gần 90 nhà sản xuất kiểm tra lại quy trình thử nghiệm và đánh giá hồ sơ xin chứng nhận xe, sau vụ bê bối thông tin liên quan tới thử nghiệm an toàn hồi năm ngoái tại Daihatsu .
Đợt này, Mazda cho biết, đã phải đình chỉ giao các lô hàng xe thể thao Roadster RF và Mazda2 hatchback từ giữa tuần trước, sau khi phát hiện công nhân sửa đổi kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ. Hãng xe có trụ sở tại Hiroshima cũng phát hiện các thử nghiệm va chạm của hai mẫu xe nội địa gồm Atenza và Axela (hiện không còn được sản xuất), còn được biết đến ở các thị trường nước ngoài với tên gọi Mazda6 và Mazda3, được tiến hành chưa đúng quy trình, khi sử dụng bộ hẹn giờ để kích nổ túi khí trong va chạm trực diện, thay vì dựa vào cảm biến tích hợp trên xe để phát hiện va chạm.
Honda cho biết, đã tìm thấy sai phạm trong các thử nghiệm tiếng ồn và công suất động cơ các mẫu xe trên hơn 20 mẫu xe (hầu hết không còn xuất xưởng ở thời điểm hiện tại). Những sai phạm này kéo dài trong khoảng thời gian hơn 8 năm (tính đến tháng 10/2017).
Trong khi đó, Toyota cho biết, chưa cung cấp đầy đủ dữ liệu trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe đối với 3 mẫu xe nội địa là Corolla Fielder, Axio và Yaris Cross; đồng thời đã sử dụng phương tiện thử nghiệm có chỉnh sửa trong các bài kiểm tra an toàn đối với 4 mẫu xe khác, trong đó có Crown và một mẫu Lexus.
Toyota cũng cho biết, sẽ tạm thời ngừng giao hàng và hoạt động kinh doanh đối với 3 mẫu xe tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hãng khẳng định, khách hàng không cần ngừng sử dụng các mẫu xe đã bán ra. Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành kiểm tra trụ sở của Toyota trong 4/6.
Về phần mình, Yamaha cho biết, họ đã tạm dừng giao hàng đối với một chiếc xe máy thể thao, nhưng chưa chia sẻ cụ thể thông tin. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là những vấn đề liên quan tới hoạt động thử nghiệm cấp chứng nhận sản phẩm và không đồng nghĩa chất lượng sản phẩm kém, cũng là quy trình nội bộ của riêng Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc khắc phục và siết chặt lại các quy trình đánh giá là hết sức cần thiết để củng cố niềm tin cho lĩnh vực sản xuất của đất nước mặt trời mọc.