Nhìn ông Nguyễn Bá Hữu (57 tuổi, ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) sở hữu một trang trại nuôi lợn rộng gần 4.00 mét vuông và tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, ai cũng phải ngưỡng mộ.
Có người gọi vui ông là đại gia, cũng có người chê công việc thấp hèn nhưng miệng đời sao bằng ‘ý người’, một khi ông Hữu đã hạ quyết tâm thì ông sẽ quyết làm đến cùng. Và để có được ngày hôm nay, ông từng phải chấp nhận mang cái tiếng ‘chôm vàng của vợ’.
Khởi nghiệp khi trên đầu đã 2 thứ tóc.
Năm 2005, ông Hữu là tài xế đường dài, thâm niên 15 năm, được người bạn thân nhờ vào Bình Dương giải quyết pháp lý cho một vụ tai nạn. Những ngày bám cổng tòa án, ông thấy một khu nhà rộng hàng nghìn mét, khang trang, nên lại gần thăm thú.
Nghe bảo vệ giới thiệu đó là “chuồng lợn”, ông trố mắt kinh ngạc, muốn nhìn tận mắt. Thấy đàn lợn 500 con chỉ một người chăm, còn bà chủ đi xe xịn, ăn mặc sang trọng, ông Hữu chép miệng “Nuôi lợn thôi mà đẹp như Tây ấy”.
Ông Hữu bên đàn lợn của mình (Ảnh: Vnexpress)
Đêm về, hình ảnh người chủ lợn giàu có và trang trại khổng lồ ám ảnh anh tài xế đường dài. Cả tháng trời cùng bạn giải quyết hậu quả tai nạn, ông Hữu đâm chán nghề. “Vất vả mà chỉ một vụ tai nạn đã tiêu tan gia sản, vướng vòng lao lý thì cũng không bền, chi bằng học nuôi lợn về quê làm giàu”, Hữu nghĩ bụng.
Ngày về, ông bàn với vợ bán vàng để có vốn xây dựng trang trại, thì bà Oanh (vợ của ông) phản đối ngay. Bà bảo nuôi lợn đồng vốn lớn, rủi ro cao, thua lỗ sẽ không có tiền nuôi 4 đứa con ăn học. Mỗi lần hai vợ chồng ngồi cùng nhau, nghe đến lợn, bà lại bỏ đi chỗ khác.
Từ nhỏ, ông Hữu đã rất thích nghề chăn nuôi, nhưng không có thu nhập từ nghề này, nên ông đi học lái xe. Thấy vợ không ủng hộ mình, ông bèn lập mưu kế. Nhân dịp vợ đi chăm con gái mới đẻ bên nhà chồng, ông Hữu liền trộm chìa khóa mở két sắt đựng vàng.
Ngày hôm sau, 55 cây vàng nằm trong tay ông. “Vừa thấy tôi đổ đống vàng ra quầy, hai anh công an đến hỏi lý lịch, điện về xã để điều tra. Được xác nhận ông Nguyễn Bá Hữu là ‘công dân mẫu’, họ mới bảo ‘thế bác cứ bán đi’“, ông cười khề khề.
Hình minh họa (Ảnh:baomoi.com)
Đổi vàng lấy tiền, ông Hữu gọi người đến xây dựng trang trại ở vườn vải cạnh đầm lầy, cách nhà hơn 700 mét. Ông gọi thợ đến, đưa bản vẽ “chuồng lợn ở Bình Dương” để xây theo. Từ Hà Nội về, thấy chồng đã bán vàng, chặt cây xây chuồng lợn, bà Oanh khóc lóc, giậm chân giậm tay.
Không xoay chuyển được chồng, bà chuyển sang “chiến tranh lạnh”. Ông Hữu đành ở lại chuồng lợn dựng lán sống tạm. “Làm thằng đàn ông, phải sống kiên định, quyết liệt, không thể một chút khó khăn đã vội dừng“, ông cương quyết.
Bảy ngày sau, bà Oanh luộc hai quả trứng mang cho chồng, “thôi trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời”. Xóa bỏ được “chiến tranh”, ông Hữu làm hăng gấp đôi. Cũng từ đây, vợ chồng ông đóng cửa ngôi nhà mặt đường, dọn hết ra đầm sống.
Thực sự nể ông Hữu, một người có chí lớn và có gan làm liều, dù tuổi đã cao nhưng khi đã nhìn rõ đam mê vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Tuy nói thẳng ra, hành động chôm vàng của ông ở một khía cạnh không nào đó là cách hành xử không đúng.
Tất nhiên, nhiều chị em đã lấy chồng sẽ hiểu cảm giác của bà Oanh, bức xúc và đau đớn, bởi nói gì thì nói, đó cũng là tiền chắt bóp dùng để phòng thân, lo cho cho cho cái. Cũng may ông Hữu gặp được bà Oanh, một người phụ nữ có tấm lòng rộng lượng và ủng hộ chí lớn của chồng.
Vợ chồng ông Hữu và bà Oanh (Ảnh: Vnexpress)
Đó cũng là lý do mà người xưa thường nói: “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” bởi không phải cặp đôi nào cũng có thể thấu hiểu và chia sẻ cho nhau. Và suy cho cùng, ông Hữu có hoài bão lớn cũng là bởi lo cho tương lai của gia đình.
Số tiền trộm được ấy tuy không thực sự đứng đắn nhưng ông không dùng nó để nướng vào các tệ nạn xã hội, vào ăn chơi sa đọa hay gái gú bồ bịch mà ông đầu tư vào chăn nuôi, một lĩnh vực chân chính của những người dân quê chân chính.
Thành công gõ cửa nhờ sức của vợ chồng.
Sau hai tháng, trang trại rộng 4.000 mét vuông đi vào hoạt động. Sáu tháng đầu tiên, 500 con lợn xuất chuồng mang về thu nhập 60 triệu đồng. Thấy nửa năm đã có lời, lại không phải đi đâu, ông vay mượn thêm tiền, xây một khu nữa, số lợn lên gấp đôi.
Nhưng rồi biến cố ập tới, cuối năm 2008, miền bắc rét đậm, cá chết, lợn chết, vàng tăng giá gấp đôi. Cả đêm bà Oanh trở mình xoành xoạch vì tiếc. Ông Hữu động viên vợ: “Đời như hình sin, lúc lên lúc xuống, cứ bình tĩnh”. Nhờ vốn có sẵn và được công ty chăn nuôi tài trợ giống, cám và đầu ra, ông trụ vững qua mùa rét.
Hình minh họa (Ảnh:baomoi.com)
Rồi đến năm 2017, lợn ế vì giá lao dốc, gia đình ông lỗ nặng. “Cho chúng nó ăn nhiều thì lỗ, ăn ít thì đói. Suốt một tuần liền, lợn đói cứ vỗ vào tường cả đêm. Tôi vừa lo lỗ, vừa thương lợn”, ông Hữu kể. Dạo ấy ông không dám nghe thời sự, vì mở mắt ra là biết mình mất hàng chục triệu. “Là thằng đàn ông, không được để kinh tế gia đình đi xuống”, luôn nghĩ vậy nên ông Hữu trăn trở tìm cách tự cứu cơ ngơi.
Ông lấy bèo lót đáy nồi, nấu cám ngô cho lợn ăn để đỡ chi phí. Không ngờ, chúng ham ăn bèo hơn cám. Sau hôm đó, ông đóng nồi cám “khổng lồ” dài 2,5 mét, nấu lẫn bèo, cá, ngô. Với thực đơn mới này, mỗi ngày, ông tiết kiệm được 500 nghìn đồng.
“Ông ấy nhanh nhạy lắm. Mất điện, mất nước, chưa quá 5 phút là ông ấy đã nghĩ ra phương án xử lý. Làm việc với ông ấy, đầu tôi cũng sáng hẳn ra“, anh Hướng, nhân công của trang trại nhận xét. Rồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Bá Hữu được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019. Mỗi năm, trang trại tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 nhân công, lương 5 – 8 triệu đồng/tháng.
Cơ ngơi của ông Hữu (Ảnh: Vnexpress)
Mấy tháng gần đây, giá thịt lợn tăng, đắt khách, ông Hữu ăn ngon, ngủ ngon. Bà Oanh cũng không còn bận lòng chuyện vàng lên hay xuống. “Bây giờ, qua một đêm, tôi đã có thêm 3 – 5 tạ lợn, nửa khối gỗ ở ngay trên đất làng mình. Giữ lại số vàng, chắc tôi giàu hơn bây giờ, nhưng sẽ cạn chí kiếm tiền và cái đầu không muốn suy nghĩ”, ông cười hào sảng.
Đúng là đời người, có lúc lên voi xuống chó, chắc ai biết được mai sau sẽ ra sao nhưng vì chúng ta chỉ sống được một lần thì hãy sống cho đáng, ít ra phải có dũng khí để thực hiện ước mơ của mình. Hẳn là sẽ có người cũng khuyên ông Hữu đừng vội mừng vì giá lợn đang bấp bênh, lại thêm dịch tả Châu Phi nở rộ.
Nhưng dù như thế thì đã sao? Nên nhớ, đến cả doanh nhân giàu có nhất vẫn có thể phá sản như thường, thì đừng trù ẻo ông hay nói những lời khiếm nhã. Hãy tin rằng, phía sau ông luôn có gia đình, có người vợ tảo tần và thấu hiểu chồng, ủng hộ chồng làm ăn chân chính.
Ít ra, là một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, ông Hữu đã làm được ba việc lớn giúp ích cho đời, một là tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nơi đây, hai là sáng tạo ra một số kinh nghiệm hay cho người chăn nuôi lợn cùng phát triển, và cái quan trọng nhất – tạo cảm hứng lập nghiệp cho tất cả chúng ta.
Hình minh họa (Ảnh:baomoi.com)
Hãy tưởng tượng mà xem, nếu ai cũng ù lì, chây lười, chỉ muốn sống đời hưởng thụ, làm công việc qua ngày thì xã hội làm sao phát triển, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ giành phần ai?
Bởi mới nói, nhìn ông Hữu mà thấy ham lắm, không ham lợn hay ham vàng, mà ham cái tư tưởng của một người có tuổi nhưng đầu óc vô cùng trẻ, rồi ai cũng ước mình có một chút quyết tâm, sáng dạ, lanh lợi như ông…để thay đổi cuộc đời.