Anh Tâm, chàng trai 8X xứ Thanh, đã thành công áp dụng kỹ thuật trồng nhãn ra quả trái vụ, thu hoạch sớm hơn chính vụ từ 2-4 tháng. Nhờ đó, anh thu về lợi nhuận khủng 2 tỷ đồng mỗi năm, mở ra hướng đi mới cho nhà nông.
Trước khi quyết định trở về quê để làm nông nghiệp, anh Đỗ Đồng Tâm (sinh năm 1988), cư trú tại xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá, đã từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng.
Anh Tâm từng làm việc tại Hà Nội, sau đó trở về Thanh Hoá làm cho một doanh nghiệp xây dựng, đồng thời chung vốn mở công ty riêng, với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, quyết định trở về quê làm nông nghiệp của anh đã khiến gia đình vô cùng ngạc nhiên.
“Người phản đối nhiều nhất chính là bố mẹ tôi, vì họ thấy tôi đang có công việc ổn định, đúng với ngành học mà lại muốn về quê. Nhưng thực sự tôi không thích công việc xây dựng một chút nào cả, tôi chỉ muốn về quê thôi,” anh Tâm chia sẻ.
Khi trở về quê, anh Tâm nhận thấy vườn nhãn 500 gốc đã được gia đình trồng từ 18 năm trước không đạt năng suất cao, giá bán lại thấp và không ổn định.
Vườn nhãn 500 gốc đã được gia đình trồng từ 18 năm trước
“Làm nông nghiệp theo cách truyền thống ở quê không mang lại hiệu quả cao vì không áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Khi vào chính vụ, ở đâu cũng có nhãn, cộng thêm mùa hè nóng nực với nhiều loại hoa quả khác khiến giá nhãn rớt xuống chỉ còn khoảng 10-15 nghìn đồng/kg là cao,” anh Tâm chia sẻ.
Với quyết tâm cải thiện vườn nhãn để ra hoa và đậu quả sớm hơn, từ đó bán được giá cao hơn, anh Tâm đã đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để đi đến nhiều vùng trồng nhãn khác như Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng nhằm học hỏi kinh nghiệm.
Theo anh Tâm, mỗi vùng có một đặc điểm khí hậu riêng và mỗi giống nhãn lại có thời gian ra hoa đậu quả khác nhau. Chính vì vậy, khi đến thăm từng vườn, anh luôn ghi chép cẩn thận và sàng lọc những kinh nghiệm quý báu nhất để về áp dụng cho phù hợp với điều kiện vườn nhà.
Trải qua những ngày tháng khó khăn, do chưa hiểu rõ đặc tính của từng giống nhãn và quá trình sinh trưởng của cây, anh đã gặp không ít thất bại.
Tuy nhiên, anh Tâm không nản lòng. Anh tiếp tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và quan sát kỹ lưỡng quá trình sinh trưởng của cây. Thêm vào đó, anh theo dõi dự báo thời tiết dài hạn để áp dụng các kỹ thuật chăm sóc một cách hợp lý nhất.
Anh theo dõi dự báo thời tiết dài hạn để áp dụng các kỹ thuật chăm sóc một cách hợp lý nhất
Năm 2020, anh bắt đầu áp dụng các biện pháp kỹ thuật lên vườn nhãn 500 gốc của gia đình. Anh lựa chọn thời điểm cho cây ra hoa sớm, sau đó sử dụng phân bón để ức chế quá trình sinh trưởng, giúp cây ra hoa theo ý muốn.
Niềm vui vỡ òa vào vụ nhãn năm 2021 khi anh đạt được thành công ngoài mong đợi. Hàng chục tấn nhãn ra hoa, đậu quả và chín sớm hơn chính vụ từ 2 đến 4 tháng. Nhãn thu hoạch đến đâu đều được bán hết đến đó, thậm chí không đủ hàng để cung cấp.
“Thông thường, nhãn chính vụ sẽ vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, nhưng tôi đã áp dụng kỹ thuật cho cây ra hoa và đậu quả sớm, vì vậy đến tháng 5 nhà tôi đã có nhãn chín để bán. Nhãn chín đến đâu bán hết đến đó với giá cao gấp 4-5 lần nhãn chính vụ. Đỉnh điểm là năm 2022, giá nhãn bán tại vườn đạt 55 nghìn đồng/kg,” anh Tâm chia sẻ.
Nhận thấy tiềm năng từ kỹ thuật cho nhãn ra hoa nghịch vụ để bán được giá cao, anh Tâm đã hợp tác với 12 hộ trồng nhãn trong vùng để thành lập hợp tác xã. Anh chuyển giao công nghệ, cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm, giúp nâng cao giá trị của nông sản địa phương.
Năm 2022, giá nhãn bán tại vườn đạt 55 nghìn đồng/kg
Sau 6 năm trở về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay vườn nhãn của gia đình anh Tâm mỗi năm thu hoạch từ 60-65 tấn quả. Giá bán dao động từ 30-45 nghìn đồng/kg tùy theo vụ mùa. Sau khi trừ chi phí, anh Tâm thu về khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh việc làm cho nhãn ra hoa nghịch vụ, anh Tâm còn đầu tư trồng 50.000 gốc dứa mật MD2, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng trên 80 tấn quả trong thời gian tới.
Song song với việc trồng nhãn và dứa mật, anh Tâm còn đầu tư hơn 100 gốc mít ruột đỏ PT79 từ Indonesia, cho trái nghịch vụ và bán với giá hơn 25 nghìn đồng/kg. Anh cũng tiến hành khảo nghiệm một số loại cây trồng mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.