Nhiều mẹ bầu cho rằng nếu sinh vào giờ xấu, tháng xấu, đặc biệt là tháng cô hồn thì cuộc đời đứa trẻ sẽ gặp nhiều rủi ro, lận đận. Nhìn vào thực tế, quan niệm này được các chuyên gia nói gì?
Theo quan niệm dân gian cho rằng, tháng 7 âm lịch là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Các chùa thiết lập trai đàn chẩn tế, để “tài pháp nhị thí” cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng.
Tháng 7 âm lịch cũng là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời. Phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng, quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2024, tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch, nhằm ngày 4/8 đến 2/9 dương lịch. (Ảnh minh họa).
Những ngày qua lan truyền hình ảnh sản phụ xếp hàng sinh mổ để tránh tháng cô hồn. Bởi không ít gia đình cho rằng, những đứa trẻ sinh đúng “giờ vàng sau này sẽ hanh thông mọi việc, đường quan lộc thăng tiến. Ngược lại, nếu sinh vào giờ xấu, tháng xấu, cuộc đời đứa trẻ sẽ gặp nhiều rủi ro, lận đận”.
Quan niệm trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học nhưng thực tế lại có không ít trường hợp tin. Tuy nhiên, bác sĩ Thành (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho rằng quan niệm này dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu gia đình quá mê tín, “ép” trẻ ra đời sớm khiến bé bị thiếu tháng, hệ hô hấp chưa hoàn thiện, viêm phổi, ảnh hưởng phát triển sau này. Chưa kể, đẻ mổ để lại nhiều biến chứng ở mẹ, như nhiễm trùng, sẹo, vết mổ không lành, ngứa, nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần.
TS.BS Phan Chí Thành nhớ lại trường hợp của một bệnh nhân mổ đẻ cũ đang mang thai 36 tuần 3 ngày nhưng “nằng nặc” đòi đẻ. Hỏi ra mới biết, vì đi xem ngày phải sinh ngay nếu để sang tháng sau (tháng 7 âm lịch) cháu bé sinh ra sẽ không tốt cho cha mẹ, làm ăn khó khăn. Chính vì vậy sản phụ đã giả vờ đau bụng, giả vờ chuyển dạ, vào bệnh viện cấp cứu để để xin bác sĩ mổ theo giờ.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có hơn 20.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là mổ. Tỷ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm. 5 năm gần đây (2015 đến 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50%, và gấp đôi so với 10 năm trước đó. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tỷ lệ sinh mổ nên duy trì dao động ở 10-15% tổng ca sinh để tránh các tai biến sản khoa cho cả mẹ và thai nhi.Cùng quan điểm, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho rằng mẹ bầu chọn giờ đẹp, ngày đẹp để sinh con với kỳ vọng con thông minh, tài giỏi, hợp mệnh bố mẹ là sai lầm. Bởi, sinh con là giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ căn cứ trước tiên vào tình trạng, sức khỏe thai phụ, sau đó mới cân nhắc đến nguyện vọng gia đình.
Ví dụ, người phụ nữ 39 tuổi, ở Hà Nội, suýt tử vong do tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng quyết không mổ vì kiêng ngày mùng một. Kíp cấp cứu mất rất nhiều thời gian để thuyết phục. May mắn bé gái chào đời an toàn, sức khỏe người mẹ ổn định. Hay trường hợp mẹ bị nhau tiền đạo, ra máu, tiền sản giật… buộc phải mổ lấy thai ngay nhưng gia đình kiêng mổ đêm giao thừa khiến mẹ con gặp nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên sinh thường, trường hợp bất khả kháng sẽ được chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, không có phương pháp sinh nào là an toàn tuyệt đối. Thông thường, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ sinh thường và sinh mổ để đưa ra chỉ định đúng, kịp thời. Do đó, mẹ bầu nên suy nghĩ tích cực, thoải mái tâm lý và có kế hoạch chi tiết trước khi chuyển dạ.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần nhập viện, tuyệt đối không kiêng hoặc trì hoãn thời gian, đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi. Mẹ bầu không nên quá mê tín, cứng nhắc bởi việc chọn ngày, chọn giờ để “ép” đứa trẻ ra đời. “Sức khỏe hai mẹ con phải được ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, bác sĩ nói.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)